Hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Sáng ngày 03/10/2024, tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tham dự Hội nghị có các đơn vị trực thuộc Bộ, một số tổ chức quốc tế, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh khu vực phía Nam và các Doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ số.
Tại Hội nghị, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã trình bày tổng quan về tình hình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và PTNT, những nút thắt trong thời gian qua như: Tâm lý e ngại thay đổi; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; thiếu kỹ năng số trong lao động nông nghiệp; thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các cơ quan, tổ chức; chi phí đầu tư cho chuyển đổi số lớn; thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ; hệ thống dữ liệu và thông tin bị phân tán. Qua đó, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã có một số đề xuất tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới, chẳng hạn: Cần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm về công nghệ số; Phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh; Cần tích hợp các chuỗi cung ứng nông sản thông qua sử dụng các nền tảng công nghệ số hiện nay; Tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức về kỹ năng số; Xây dựng các nền tảng trực tuyến, tư vấn nông nghiệp; Thúc đẩy đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư phát triển công nghệ trong nông nghiệp; Tạo môi trường sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số; Cuối cùng là quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thông qua các nền tảng số.
Quang cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, đại diện Công ty RYNAN Technologies, đã có bài giới thiệu về công tác phối hợp, hỗ trợ cho Đồng Tháp triển khai Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, theo đó Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đáp ứng đầy đủ khung kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp, cũng như khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0. Trong quá trình thiết kế xây dựng cấu trúc các phân hệ nên trên, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã triển khai lấy ý kiến đóng góp và sự ủng hộ tích cực từ cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với thiết kế mở, linh hoạt, dễ dàng điều chỉnh, mở rộng hoặc thu hẹp cho phép Nền tảng có khả năng tùy chỉnh phù hợp với tính chất đa dạng của đặc điểm sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nông sản chủ lực của từng tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Đồng thời vẫn tối ưu được tài nguyên lưu trữ và băng thông dữ liệu. Cụ thể, khung kiến trúc được định nghĩa có khả năng tùy biến cao, ngoài 6 phân hệ chính đã hoàn thiện, các phân hệ quản lý khác có thể tùy chọn mở rộng để phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Về mặt quản lý Nền tảng có cấu trúc phân quyền linh hoạt, cho phép quản lý cấp tỉnh có thể tùy chỉnh theo tình hình thực tế để phù hợp nhất với địa phương.
Theo xu hướng chung của cả nước về việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, dùng chung, Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tạo không gian số mở, dễ dàng chia sẻ, kết nối, tích hợp với các nền tảng dữ liệu số khác của địa phương và trung ương, nhằm hình thành hệ cơ sở dữ liệu lớn, dùng chung cho toàn ngành nông nghiệp. Hoàn toàn không tạo môi trường độc quyền, gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Quan trọng hơn hết, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự chủ động, ghi nhận Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp ở địa phương triển khai, áp dụng thực tế và mang lại hiệu quả nhất định trong nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số đối với lực lượng lãnh đạo, công chức của nhiều đơn vị hành chính thuộc Tỉnh.
Ngoài ra, đại diện Cục Trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng đã giới thiệu đến Hội nghị Hệ thống thu thập, giám sát và báo cáo hoạt động sản xuất lúa RiceMoRe nhằm khắc phục các hạn chế về việc thu thập nguồn dữ liệu lớn trong cả nước thời gian qua đối với cây lúa, đồng thời gắn với định hướng của Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
T. Vương